Chính quyền Trump vừa quyết định giảm nhẹ mức phí cảng áp lên các tàu được đóng tại Trung Quốc, sau khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp vận tải và xuất khẩu trong nước. Thay vì áp dụng mức phí lên tới 1,5 triệu USD mỗi lần cập cảng như đề xuất hồi tháng 2, bản thông báo mới trên Công báo Liên bang của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã điều chỉnh xuống đáng kể.
Lý do là các doanh nghiệp vận tải cảnh báo rằng, mức phí cao sẽ khiến giá xuất khẩu của Mỹ mất tính cạnh tranh và có thể đẩy gánh nặng chi phí nhập khẩu lên người tiêu dùng Mỹ tới 30 tỷ USD mỗi năm.
Ông Jamieson Greer – Đại diện Thương mại Mỹ – cho biết: “Tàu biển và ngành vận tải đóng vai trò sống còn với kinh tế Mỹ và chuỗi lưu thông toàn cầu. Động thái mới của chính quyền sẽ là bước đầu để chống lại sự thống trị của Trung Quốc, bảo vệ chuỗi cung ứng và khuyến khích sản xuất tàu tại Mỹ”.
Tuy nhiên, việc áp dụng phí lên các tàu đóng tại Trung Quốc vẫn được xem là một yếu tố làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Trump đang thúc ép Bắc Kinh đối thoại về loạt thuế mới 145% áp lên nhiều mặt hàng Trung Quốc.

Sau khi nhận được hàng loạt ý kiến phản hồi từ các hãng vận tải biển, cảng và chủ tàu nội địa, USTR đã quyết định miễn trừ cho các tuyến tàu hoạt động giữa các cảng nội địa Mỹ, đi từ Mỹ đến các đảo Caribe và vùng lãnh thổ Mỹ. Các tàu của Mỹ và Canada hoạt động tại khu vực Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) cũng không bị áp phí.
Những doanh nghiệp như Matson (NYSE:MATX) hay Seaboard Marine có thể được miễn áp phí. Ngoài ra, các tàu trống cập cảng Mỹ để lấy hàng xuất khẩu – như lúa mì hay đậu nành – cũng được miễn.
USTR sẽ bắt đầu triển khai các khoản phí này sau 180 ngày kể từ thông báo. Một số điều khoản ban đầu – như đánh phí theo tỷ lệ tàu Trung Quốc trong đội tàu hoặc theo các đơn đặt hàng tương lai – đã bị loại bỏ.
Theo chính sách mới, mỗi chuyến tàu chỉ bị áp phí tối đa 6 lần/năm. Phí sẽ được tính theo trọng tải tịnh (net tonnage) hoặc số lượng container dỡ tại cảng.
Cụ thể, từ ngày 14/10 tới, tàu vừa đóng và thuộc sở hữu của Trung Quốc sẽ bị tính 50 USD cho mỗi tấn trọng tải tịnh, mức này sẽ tăng thêm 30 USD mỗi năm trong vòng 3 năm. Nếu tính theo container, phí là 120 USD/container, và sẽ tăng lên 250 USD sau ba năm.
Với tàu Trung Quốc nhưng thuộc sở hữu của các công ty không phải Trung Quốc, mức phí sẽ thấp hơn – 18 USD/tấn, và tăng 5 USD/năm trong 3 năm tới.
Dù chưa rõ các tàu container lớn sẽ bị thu phí tối đa bao nhiêu, nhưng với chính sách mới, các hãng tàu không thuộc Trung Quốc đang có lợi thế rõ rệt so với các tập đoàn như COSCO của Trung Quốc.
Thông báo này được đưa ra trùng thời điểm tròn một năm kể từ khi Mỹ khởi động cuộc điều tra về hoạt động hàng hải của Trung Quốc – được bắt đầu dưới thời Tổng thống Biden.
Hồi tháng 1, USTR kết luận rằng Trung Quốc đang sử dụng nhiều chính sách thiếu công bằng để giành ưu thế trên thị trường vận tải toàn cầu. Cả chính quyền Biden và Trump đều đồng thuận về mục tiêu khôi phục ngành đóng tàu Mỹ và củng cố năng lực hàng hải.
Tới ngày 19/5, USTR sẽ tổ chức phiên điều trần về kế hoạch áp thuế lên các thiết bị như cần cẩu cảng, rơ-moóc chở container và linh kiện liên quan – những mặt hàng mà Trung Quốc hiện đang thống lĩnh thị trường. Riêng cần cẩu, Mỹ dự kiến áp thuế tới 100%.
Hiện chưa rõ liệu các khoản thu từ phí cảng và thuế nhập khẩu thiết bị có được dùng để hỗ trợ ngành đóng tàu trong nước hay không.